Hướng dẫn viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV hiệu quả
I. Mục tiêu nghề nghiệp là gì?
Trong mọi khía cạnh của cuộc sống, những người có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có kế hoạch hoàn thành mục tiêu cụ thể đa phần đều có chặng đường thành công ngắn hơn người khác.
Bạn có dự định gì cho tương lai công việc của mình? Trong 05 năm tới bạn định hướng phát triển bản thân như thế nào? Đó là những dự định và cũng chính là mục tiêu nghề nghiệp mà ứng viên nên đề cập trong CV.
Mục tiêu nghề nghiệp cần chứa đựng những thách thức để thôi thúc,khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu. Đồng thời cũng phải đảm bảo tính khả thi cho việc hoàn thành, những mục tiêu quá cao, bất hợp lý sẽ bị đánh giá viễn vông, thiếu tính thuyết phục.
>>> Xem thêm: Mục tiêu nghề nghiệp là gì? Nên đặt mục tiêu như thế nào?
II. Vị trí thể hiện mục tiêu nghề nghiệp trong CV
Một CV hoàn chỉnh thường sẽ gồm những nội dung thông tin cá nhân, bằng cấp học vấn, kinh nghiệm làm việc.
Mục tiêu nghề nghiệp trong CV nên thể hiện sau phần kinh nghiệm làm việc. Như vậy, nhà tuyển dụng có thể thuận lợi nhận định tính khả thi của mục tiêu nghề nghiệp mà bạn mong muốn.
Mục tiêu nghề nghiệp hợp lý sẽ cho thấy một ứng viên
- Có khả năng đánh giá khách quan về năng lực bản thân
- Có tinh thần cầu tiến và suy nghĩ thực tế.
- Nếu mục tiêu nghề nghiệp phù hợp khả năng đáp ứng của nhà tuyển dụng thì đây là ứng viên mà họ không thể bỏ qua.
III. Cách thể hiện mục tiêu nghề nghiệp trong CV
Bạn có thể thể hiện nội dung theo 2 khoảng thời gian
1. Cách viết mục tiêu ngắn hạn
Mục tiêu ngắn hạn là điều chắc chắn cần thể hiện, đó có thể là những kết quả bạn mong muốn đạt được trong thời gian từ 01-03 năm. Để tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng, mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn cần cụ thể và quan trọng là liên quan mật thiết đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Gợi ý :
a. Thể hiện sự nỗ lực rèn luyện bản thân không ngừng cho định hướng nghề nghiệp mà bạn đang hướng đến
“Tôi được đào tạo chuyên môn về ngành kinh tế vận tải biển, mặc dù nền tảng kiến thức tổng quát đã được xây dựng từ nhà trường nhưng khi làm việc chuyên sâu trong lĩnh vực logistics, tôi muốn mình thật sự là một chuyên viên giỏi nghiệp vụ. Đó là lý do tôi đang theo học một khóa nghiệp vụ logistics ngắn hạn tại trường đại học Kinh tế và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.”
b. Làm nổi bật tố chất cá nhân có liên quan mật thiết, thậm chí không thể thiếu cho công việc mà bạn đang ứng tuyển
“ Tôi là người cẩn thận trong công việc và luôn tìm thấy cách quản lý công việc hiệu quả thông qua những phần mềm tin học văn phòng cùng những ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy vậy, ở một môi trường mới luôn sẽ có những đặc trưng công việc mới, và tôi đã sẵn sàng áp dụng linh hoạt những gì mình đã trải nghiệm thành công cho công việc sắp tới”
c. Khẳng định cho nhà tuyển dụng thấy năng lực của bạn là yếu tố thế mạnh mà doanh nghiệp đang mong muốn tìm kiếm
“ Tôi tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành tài chính và kinh nghiệm làm việc đã mang đến cho tôi sự tự tin khi tiếp quản những công việc liên quan đến lĩnh vực này. Tại môi trường mới sẽ có nhiều nét đặc trưng khác biệt, nhưng với nền tảng sẵn có, tôi tin mình sẽ tiếp quản công việc hiệu quả trong thời gian ngắn nhất”.
>>> Có thể bạn quan tâm: Tầm quan trọng của mục tiêu là như thế nào?
2. Cách viết mục tiêu dài hạn
Một số ứng viên nghĩ rằng mục tiêu dài hạn không thật sự quan trọng, bởi lẽ, sự gắn kết lâu dài không chỉ phụ thuộc vào họ mà còn nằm ở phía môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, như bạn vẫn thấy danh sách câu hỏi phỏng vấn phổ biến đều có câu “ Mục tiêu của bạn trong 05 năm tiếp theo là gì?”.
TalentBold đề cập điều này vì muốn các ứng viên hiểu một điều rằng, trước khi bạn muốn nhận được sự gắn kết từ người khác, hãy cho họ thấy thiện chí gắn kết từ bạn. Và mục tiêu nghề nghiệp dài hạn chính là cách thể hiện thiện chí đó.
Gợi ý :
a. Bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy quyết tâm gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp mà bạn đang ứng tuyển
“Tôi hy vọng trong 05 năm sắp tới gắn kết với vị trí công việc tại công ty, tôi sẽ có cơ hội học hỏi và hoàn thiện nghiệp vụ chuyên môn, trở thành một chuyên viên giỏi và có cơ hội đề bạt lên những vị trí cao hơn.”
b. Những khía cạnh bổ sung quan trọng cho nghề nghiệp, cho tổ chức nhưng không mang tính cấp thiết nên thể hiện ở mục tiêu nghề nghiệp lâu dài
“ Về lâu dài, khi đã ổn định công việc tại vị trí mới, tôi muốn mình có nhiều thời gian tham gia các khóa học ngoại khóa như trau dồi một ngoại ngữ mới, tham gia các hoạt động thiện nguyện vào cuối tuần hoặc dành nhiều thời gian cho câu lạc bộ thể thao tại công ty”
c. Những định hướng liên quan đến cuộc sống gia đình – nơi có tác động trực tiếp đến công việc
“ Tôi hy vọng trong khoảng 10 năm tới, bằng mức lương của mình, tôi có thể cùng gia đình ổn định nơi ở tại một căn hộ chất lượng tốt. An cư và lạc nghiệp luôn song hành cùng nhau”
>>> Bạn xem thêm: Top 06 mẫu CV ấn tượng các vị trí
Tóm lại, cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV cần thể hiện sự tự tin của ứng viên, mong muốn gắn kết lâu dài cùng doanh nghiệp, đồng thời cho nhà tuyển dụng thấy bạn có cái nhìn thực tế, có sự chuẩn bị tinh thần và kỹ năng đầy đủ thông qua 01 hoặc 02 mục tiêu cụ thể, chứ không phải chỉ là nói suông với hàng tá mục tiêu liệt kê ra. Hy vọng những gợi ý TalentBold đưa ra sẽ giúp bạn có một bộ CV hoàn hảo nhất. Chúc bạn luôn thành công trong mọi kỳ tuyển dụng !
Chi tiết liên hệ:
Talentbold – We bold your talents
Hotline: 077 259 1080
Mail: [email protected]
Add: Tầng 10, CIT Building, Ngõ 15 Duy Tân – Cầu Giấy – Hà Nội
—————————————–
Nguồn ảnh: internet
Hình ảnh: mang tính chất minh họa
Nguồn: //www.techrum.vn/threads/h%C6%B0%E1%BB%9Bng-d%E1%BA%ABn-vi%E1%BA%BFt-m%E1%BB%A5c-ti%C3%AAu-ngh%E1%BB%81-nghi%E1%BB%87p-trong-cv-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3.349087/