Đánh giá ASUS VivoBook S15 S510: máy 15″ viền mỏng, có cảm biến vân tay, GPU rời, giá 14,9 triệu
  1. Home
  2. Phần mềm
  3. Đánh giá ASUS VivoBook S15 S510: máy 15″ viền mỏng, có cảm biến vân tay, GPU rời, giá 14,9 triệu
Nguyễn Văn Luyến Nguyễn Văn Luyến 5 năm trước

Đánh giá ASUS VivoBook S15 S510: máy 15″ viền mỏng, có cảm biến vân tay, GPU rời, giá 14,9 triệu

VivoBook S15 S510 được ASUS hướng đến đối tượng người dùng trẻ với mức giá dễ tiếp cận. Chiếc máy trong bài này có giá bán khoảng 14,5 triệu đồng (mã chính xác là S510UQ-BQ260) mà vẫn có viền màn hình mỏng, cảm biến vân tay một chạm và cấu hình đủ để đáp ứng nhiều nhu cầu sử dụng.

Đánh giá ASUS VivoBook S15 S510: máy 15" viền mỏng, có cảm biến vân tay, GPU rời, giá 14,9 triệu

*Cập nhật: ASUS đã trả lời chính thức rằng kể từ tháng 8, dòng VivoBook S15 S510 tất cả các phiên bản đều có bảo mật vân tay (i3 đến i7), giá cao nhất cho bản i7 là 18,9 triệu đồng còn phiên bản trong bài này có giá 14,9 triệu đồng, có cảm biến vân tay và ổ cứng được nâng lên thành 1 TB thay vì 500 GB như trong bài.

Thiết kế, chất liệu và trang bị kết nối:

Thật sự thì lâu lắm rồi mình mới có cơ hội dùng lại dòng VivoBook kể từ khi thương hiệu laptop này được ASUS công bố cách đây 5 năm. VivoBook trước đây sở hữu thiết kế na ná dòng ZenBook cao cấp nhưng chất liệu thì rẻ tiền hơn. Lần này với VivoBook S15 S510 thì mình nhận ra thiết kế của dòng VivoBook đã tốt hơn rất nhiều. Tên gọi VivoBook S15 S510 dài quá, mình sẽ gọi tắt là VivoBook S15.

Đầu tiên là vỏ ngoài bằng nhôm phay xước, hoàn thiện rất tốt và chắc chắn. Chiếc máy mình mượn được có màu vàng sâm panh, sắc vàng nhẹ nhàng và lịch sự, nam nữ đều dùng được.

Tiếp theo là tính di động của mẫu máy này, S15 tức màn hình 15,6′ nhưng nhưng trọng lượng chỉ 1,5 kg và độ mỏng là 17,9 mm. Hồi xưa dòng VivoBook như bản sao dày hơn của dòng ZenBook thì giờ ranh giới này không còn rõ ràng nữa.

Riêng thân máy thì không được làm bằng kim loại mà là nhựa cùng màu với vỏ, giả kim loại rất khéo nhưng lại rất dễ trầy. Trong quá trình sử dụng mình đã làm trầy 2 vết mà không hiểu tại sao

Số lượng cổng kết nối trên VivoBook S15 cũng khá đầy đủ nhưng ASUS lại làm một điều thường thấy, chắc là để giảm giá thành đó là trang bị nhiều cổng USB 2.0 (hình trên). Các cổng còn lại vẫn tiêu chuẩn như USB 3.0 (USB-A), USB 3.1 Gen1 (USB-C), jack âm thanh, HDMI và khe đọc thẻ SD.

Cá nhân mình rất ghét việc có trên máy những cổng USB 2.0, có thể đưa ra lý do là những cổng này sẽ dùng với chuột nhưng cùng lắm cũng chỉ nên có 1 cổng thôi. Đằng này có 2 cổng và ở một vị trí rất thuận tay, kết quả là ngay cá nhân mình khi cắm một chiếc USB 3.0 vào để chép phần mềm đánh giá máy sang thì tốc độ của nó chậm đến lạ kỳ. Mãi đến khi nhìn lại cái cổng mới biết mình mới cắm nhầm vào USB 2.0.

Nội thất, bàn phím và bàn rê:

Mở nắp máy thì điều khiến mình ngạc nhiên là VivoBook S15 cũng có thiết kế viền màn hình mỏng, ASUS gọi là NanoEdge. Những dòng máy của ASUS và nhiều nhà sản xuất laptop khác gần đây đã bắt đầu khai thác triệt để kiểu thiết kế viền mỏng và cứ đà này thì trong tương lai viền mỏng là yếu tố thiết kế bắt buộc trên một chiếc laptop. Không chỉ máy xịn mới có, giờ máy tầm trung giá rẻ cũng có, đây là một thay đổi đáng khích lệ.

Nội thất máy gọn gàng, bề mặt nhựa này được làm sần mịn như chất liệu nhôm anodize mang lại cảm giác tiếp xúc tốt, không ăn nhiều mồ hôi.

Bàn phím của VivoBook S15 có kích thước lớn và layout cũng khá lạ nhưng tiện. ASUS không thể nhét bàn phím full-size vào máy bởi viền mỏng khiến chiều ngang của máy đã bị thu hẹp lại. Kết quả là chúng ta có layout kiểu như TKL với 86 phím và bố trí hợp lý. Việc cắt bỏ cụm phím số khiến không gian rộng rãi hơn, các phím bấm giữ được kích thước tiêu chuẩn 15 x 15 mm và phím điều hướng to dễ bấm. Layout phím này có 2 phím Fn, phím Fn tại bên phải bàn phím sẽ giúp chúng ta nhấn tổ hợp các phím đa phương tiện nhanh hơn.

Mặc dù vậy cảm giác gõ trên bàn phím của VivoBook S15 rất chán. ASUS cho biết hành trình phím là 1,4 mm, khá ngắn nên cảm giác gõ bị hụt tay và xương phím mềm, điểm lực không rõ ràng và không đều khiến mình thường bị gõ sót từ. Thêm vào đó vỉ phím xung quanh được làm bằng nhựa nên nhấn mạnh tay một chút là flex, từ đó ảnh hưởng đến độ chính xác khi gõ. Bàn phím có đèn nền backlit với 2 cấp độ sáng.

Một lưu ý là nút nguồn được đặt rất gần phím Del và nếu không quen layout thì rất dễ nhấn phải nút nguồn. Mình không thích việc nút nguồn được đặt vào bàn phím mà lại sát với phím Del như vậy.

Bàn rê trên VivoBook S15 vớt vát lại phần nào bởi bàn rê này rất chất lượng, giống như đem từ dòng ZenBook xuống với kích thước lớn, bề mặt được phủ kiếng và hỗ trợ thao tác đa điểm với độ nhạy cao nhờ sử dụng driver Microsoft Precision Touchpad. 2 phím chuột được tích hợp bên dưới bàn rê, dễ bấm nhưng trên chiếc máy mình test thì phím bên trái hơi sụt xuống nhiều hơn so với bên phải. Do đó nếu bạn sử dụng bàn rê nhiều thì khả năng qua thời gian, 2 phím chuột này sẽ bị sụp.

Ngoài ra phía trên góc phải của bàn rê còn có cảm biến vân tay một chạm. Chúng ta sẽ dùng với tính năng bảo mật Windows Hello và cảm biến này có tốc độ nhận diện cao, nhấn và mở chỉ chưa tới 2 giây.

Màn hình và âm thanh:

Trở lại với màn hình, ASUS trang bị cho VivoBook S15 tấm nền IPS của LG, mã LGD0573 và đây là một tấm nền có chất lượng trung bình. Có 2 điểm mình thích trên màn hình này là độ phân giải FHD (1920 x 1080 px) – rất hợp lý với kích thước màn hình 15,6′, tiếp theo là độ tương phản tốt với 770:1 ở độ sáng 100%, trung bình 700:1 ở độ sáng 50%.

Tấm nền này có độ bao phủ màu sắc rất hẹp với chỉ 47% AdobeRGB, 63% sRGB và 45% NTSC. Dĩ nhiên với độ bao phủ dải màu như vậy thì màu sắc bị sai rất nhiều, thang Delta-E trung bình đến 8.56 tức là quá cao so với tỉ lệ chuẩn là 1.0 về độ chính xác màu. Tấm nền IPS mang lại góc quan sát tốt và sự biến sắc ở các góc thông thường không nhiều.

Độ sáng tối đa của màn hình là 260 nit, không quá cao nhưng đủ dùng. Tuy nhiên tấm nền IPS này có chất lượng trung bình thôi nên sự phân bổ độ sáng không đồng đều, chẳng hạn như ở 100% độ sáng, vùng bên phải màn hình có độ chênh lệch khoảng 6,4% so với vùng trung tâm trong khi vùng bên trái màn hình có độ chênh sáng chỉ 2,5%. Điều này có nghĩa vùng bên phải tối hơn trong khi vùng bên trái lại sáng hơn đôi chút so với vùng trung tâm. Ngoài ra độ sáng 260 nit cũng không quá lý tưởng để sử dụng ngoài trời dù màn hình có lớp phủ matte chống chói.

VivoBook S15 được trang bị 2 loa công suất 2 W và chất lượng âm thanh khá tốt. Âm thanh đầu ra đủ lớn để có thể dùng khi ra ngoài và khi mở mức âm lượng tối đa thì âm cũng ít nhiễu méo. Dĩ nhiên bass rất yếu bởi máy không có loa sub nhưng phần mềm Sonic Master cho phép mô phỏng tiếng bass kha khá. Mình thử nghe ca khúc Attention của Charlie Puth và vẫn cảm nhận được tiếng dập và tiếng nhạc cụ trầm ở đoạn điệp khúc. Dải mid rõ, treble tạm được bởi âm thanh rất chói khi mở từ mức âm lượng 70% trở lên. 2 loa đặt tại đáy máy gần rìa trước, ngay dưới chiếu nghỉ tay nên âm thanh cũng tạo ra rung động khá kích thích, nhất là khi chơi game.

Hiệu năng:

VivoBook S15 có nhiều tùy chọn cấu hình, tại Việt Nam máy có giá khởi điểm từ 13 triệu và phiên bản mình mượn được mã là S15 S510UQ-BQ260 có giá khoảng 14,5 triệu đồng và sở hữu cấu hình tốt ở tầm giá này:

  • CPU: Intel Core i5-7200U (Kaby Lake) 2 nhân 4 luồng, 2,5 – 3,1 GHz, 3 MB Cache, TDP 15 W;
  • GPU: Nvidia GeForce 940MX 2 GB GDDR5 + Intel HD Graphics 620;
  • RAM: 4 GB SK Hynik DDR4-2400, single-channel + 1 khe SO-DIMM trống;
  • HDD: 500 GB Toshiba MQ01ABF050 5400 rpm, 8 MB Cache + 1 khe M.2 trống;
  • Kết nối: Bluetooth 4.1 + Intel Dual Band Wireless-AC 8265;
  • OS: FreeDOS, thử nghiệm bằng Windows 10 Pro (Creators Update).

VivoBook S15 khiến mình hài lòng ở chỗ cấu hình của nó vừa đủ, không thừa cũng không thiếu và khả năng nâng cấp linh hoạt. Đầu tiên là CPU Core i5-7200U, con CPU 2 nhân tiết kiệm điện năng này từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn trên các dòng máy tầm trung. Việc bổ sung GPU rời GeForce 940MX 2 GB GDDR5 là một điểm cộng rất đáng chú ý bởi bạn sẽ có thể trải nghiệm được nhiều thứ hơn trên VivoBook S15. Chẳng hạn như bạn có thể sử dụng Photoshop, Lightroom mượt mà hơn, chơi những tựa game online với thiết lập cấu hình cao hơn ở độ phân giải FHD mà không sợ giật lag nhiều như GPU tích hợp.

Thêm vào đó việc trang bị GPU rời cũng phần nào khỏa lấp nhược điểm về RAM bởi chiếc máy chỉ có 4 GB RAM, chạy đơn kênh và nếu chỉ dùng GPU tích hợp thì hiệu năng của HD Graphics 620 sẽ không thể tối ưu bằng kênh đôi. Giờ với các tác vụ yêu cầu năng lực xử lý đồ họa thì GeForce 940MX sẽ gánh phần việc này với 2 GB bộ nhớ tốc độ cao GDDR5.

500 GB ổ cứng cơ là một trang bị tạm chấp nhận được. Chiếc ổ cứng này của Toshiba và có tốc độ đọc/ghi tuần tự là 107,1 MB/s và 110,5 MB/s (32 queue 1 thread) trong khi tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4K lần lượt vào khoảng 207K IOPS và 228,8K IOPS. Vì vậy tình trạng full disk cũng thường xuất hiện khi khởi chạy các tác vụ nặng.

VivoBook S15 không dùng RAM hàn chết, máy vẫn có 2 khe SO-DIMM nên bạn có thể nâng cấp về sau đơn giản. Ngoài ổ 2,5′ thì máy còn có khe M.2 2280 và bạn có thể gắn thêm ổ SSD tốc độ cao nhưng cần lưu ý rằng máy không hỗ trợ giao thức NVMe nên bạn chỉ có thể dùng ổ M.2 SATA III.

Thử nghiệm năng lực xử lý đơn và đa nhân, VivoBook S15 đạt 320 điểm đa nhân và 126 điểm đơn nhân, ngang bằng với các mẫu máy chạy Core i5-7200U trong bảng so sánh trên.

Với PCMark 8, điểm số của VivoBook S15 lại thấp nhất và vấn đề năm ở dung lượng RAM ít ỏi chỉ 4 GB. Các bài test PCMark 8 thường chiếm dụng rất nhiều RAM, nó mô phỏng tình huống làm việc đa nhiệm như hội thoại video nhiều người cùng lúc, lướt các trang web có nhiều nội dung đa phương tiện, nhiều tab, xử lý bảng tính với cơ sở dữ liệu trung bình.

Về đồ họa, có một điểm cần lưu ý là phiên bản GeForce 940MX trên VivoBook S15 là phiên bản dùng bộ nhớ GDDR5. Phiên bản này có nhiều điểm khác biệt so với 940MX dùng bộ nhớ DDR3 trên các dòng máy tầm trung năm ngoái. Đầu tiên là GPU GM108 với 384 nhân CUDA thay vì GM107 với 512 nhân CUDA mặc dù đều dùng chung kiến trúc Maxwell. Bù lại GM108M lại có xung nhịp cao hơn khá nhiều so với GM107, xung cơ bản từ 1083 MHz đến 1252 MHz trong khi xung tối đa của GM107 là 861 MHz. Ngoài ra bộ nhớ GDDR5 cũng cho băng thông lớn hơn với 16 GB/s ở tốc độ 2002 MHz, độ rộng bus nhớ 64-bit.

Vì vậy trong bảng so sánh giữa một số mẫu máy dùng GeForce 940MX nói trên, có thể thấy sự chênh lệch rõ ràng về hiệu năng xử lý đồ họa. Trong danh sách chỉ có Acer Aspire E5-774G và VivoBook S15 S510UQ dùng phiên bản GeForce 940MX 2 GB GDDR5 và kết quả của 2 mẫu máy đều tương tự nhau.

Mình cũng đã thử chơi game trên chiếc máy này và nhận ra GeForce 940MX có thể đáp ứng tốt nhiều tựa game online, chơi LoL ở cấu hình High rất ngọt, chơi GTA V cũng được nhưng phải giảm phân giải xuống còn 1366 x 768 và chỉnh về cấu hình trung bình để có thể chơi trên 60 fps, tương tự với Doom để giữ khung hình trên 30 fps với OpenGL 4.5.

Nhiệt độ và pin:

VivoBook S15 vận hành rất mát mẻ. Khu vực chiếu nghỉ tay khi tải nặng đều có nhiệt độ dưới 35 độ C nên không gây khó chịu khi sử dụng. Khu vực nóng nhất không nằm trên bề mặt nội thất mà nàm ở dưới đáy máy nhưng ngưỡng nhiệt độ cũng không quá nóng, dưới 40 độ C (khi stress test bằng Furmark) nên chúng ta có thể đặt máy lên đùi sử dụng được.

Hệ thống tản nhiệt của VivoBook S15 chỉ có 1 quạt 1 ống đồng tản nhiệt chung cho CPU và GPU. Stress test bằng Furmark, nhiệt độ CPU tối đa đo được là 76 độ C và nhiệt độ GPU tối đa là 72 độ C. CPU có thể giữ được xung nhịp 3,09 GHz, gần với xung Turbo Boost tối đa là 3,1 GHz. GPU cũng nhanh chóng đạt được xung nhịp tối đa 1252 MHz.

VivoBook S15 được trang bị pin Li-Po dung lượng 42 Wh và thời lượng sử dụng pin của chiếc máy này khá tốt.

Thử nghiệm bằng PCMark 8 Home mô phỏng điều kiện sử dụng văn phòng thì thời lượng pin đo được là 3 giờ 27 phút.

Thử nghiệm xem phim FHD với thiết lập độ sáng màn hình 75%, âm lượng 50% thì mình có thể xem liên tục trong hơn 4,5 giờ.

Kết luận:

Qua những trải nghiệm ban đầu thì mình cho rằng VivoBook S15 là một chiếc máy tốt trong tầm giá dưới 15 triệu đồng. ASUS đã cố gắng đưa những điểm đặc trưng của dòng ZenBook cao cấp xuống dòng VivoBook và kết quả là chúng ta có màn hình viền mỏng, bàn rê đa điểm xịn, có cảm biến vân tay 1 chạm và cấu hình cũng rất hợp lý, đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng của phân khúc mà chiếc máy này hướng đến đó là văn phòng, học sinh sinh viên. Điểm mình quan tâm khi mua một chiếc máy là khả năng nâng cấp về sau và VivoBook S15 lại có khả năng nâng cấp tốt, 2 khe RAM, có cả khe M.2 nên sau này có điều kiện chúng ta gắn thêm để nâng hiệu năng và trải nghiệm sử dụng máy.
Điểm mình thích:

  • Thiết kế tốt, nửa nhôm nửa nhựa nhưng không ọp ẹp;
  • Viền màn hình mỏng;
  • Màn hình 15′ phân giải FHD, độ tương phản cao;
  • Bàn rê phủ kiếng, chuẩn Microsoft Precision Touchpad;
  • Có cảm biến vân tay 1 chạm độ nhạy cao;
  • Cấu hình hợp lý;
  • Nhiệt độ vỏ mát mẻ khi tải nặng;
  • Dễ nâng cấp.

Điểm mình không thích:

  • Bàn phím nông, cảm giác gõ chán, vỉ phím flex;
  • Nút nguồn quá gần với nút Del, dễ bấm nhầm;
  • Cổng kết nối chuẩn cũ quá nhiều, đến 2 USB 2.0;
  • Không bản quyền Windows.

7 lượt xem | 0 bình luận
Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu

Bình luận gần đây

//rongcon.net
Nguyễn Văn Luyến 6 tháng trước
Ưng dụng này rất hay cho người hay thực hiện các biểu mâu, thư mời,...
//rongcon.net
Nguyễn Văn Luyến 6 tháng trước
Chuẩn bị lại lên giá
//rongcon.net
Chuyển Đổi Số 11 tháng trước
Có trang nguồn mình tải á, bạn qua trang đó xem thử. Mình cài được bình thường á
//rongcon.net
Chuyển Đổi Số 11 tháng trước
Mỉnh cũng thấy cái gì hay hay lưu lại trên trang cá nhân khi nào cần lấy ra dùng thôi à. Cảm ơn bạn nhiều!
//rongcon.net
quang tuấn 11 tháng trước
ok cám ơn add
//rongcon.net
Đàm kiên 1 năm trước
sao không thấy hướng dẫn khắc phục lỗi the macro vậy
//rongcon.net
Đàm kiên 1 năm trước
file tải về chỉ có 3 file hướng dẫn chứ không có file cài đặt nhé
//rongcon.net
Nguyễn Văn Luyến 1 năm trước
Bài viết hay
ZaloMessengerEmail
Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi