Đánh giá Acer Swift 3 – laptop đầu tiên được Acer dùng vi xử lý Kaby Lake Refresh
  1. Home
  2. Phần mềm
  3. Đánh giá Acer Swift 3 – laptop đầu tiên được Acer dùng vi xử lý Kaby Lake Refresh
Nguyễn Văn Luyến Nguyễn Văn Luyến 5 năm trước

Đánh giá Acer Swift 3 – laptop đầu tiên được Acer dùng vi xử lý Kaby Lake Refresh

Swift 3 là một trong những dòng laptop đầu tiên được Acer nâng cấp với vi xử lý Kaby Lake Refresh, cụ thể là các phiên bản Core i đầu 8, dòng ULV nhưng được cải tiến với 4 nhân, 8 luồng hứa hẹn mang lại hiệu năng tốt hơn so với các thế hệ trước.

Đánh giá Acer Swift 3 - laptop đầu tiên được Acer dùng vi xử lý Kaby Lake Refresh

Ngoài ra thiết kế của Swift 3 cũng có nhiều thay đổi đáng chú ý, đẹp hơn nhiều và trải nghiệm cũng tốt hơn so với phiên bản năm ngoái nhưng mức giá dễ chịu hơn. Mã đầy đủ của chiếc máy này là Swift 3 SF314-52-55FU với kích thước 14′, giá khoảng 16,9 triệu đồng, ngoài ra dòng Swift 3 này còn có mã SF315 màn hình 15′ và có các tùy chọn GPU rời MX150 của Nvidia.

Thiết kế:

Nếu như dòng Swift năm ngoái được Acer thiết kế với vỏ nhôm được xử lý anodize sần và mịn thì năm nay hãng thay đổi kiểu hoàn thiện với vỏ nhôm phay xước, vân chạy ngang. Kiểu hoàn thiện này mang lại cảm giác chắc chắn hơn nhưng cảm giác chạm vào không đã như anodize. Logo Acer khắc nổi đã được đưa về lại chính giữa hợp lý hơn nhiều so với vị trí cũ là bên trái nắp máy hơi nghịch mắt. Phiên bản mình trải nghiệm có màu xám bạc, ngoài ra còn có các màu khác như xanh và hồng.

Kính phủ tràn màn hình là thay đổi lớn nhất trên thiết kế của Swift 3. Thay vì hoàn thiện bề mặt kiểu matte chống chói thì Acer chuyển sang dùng kính cường lực Gorilla Glass. Để gia cường thì quanh màn hình có thêm lớp viền cao su giúp hạn chế nứt vỡ trong trường hợp va đập nhẹ cũng như phân tách lớp kính với bàn phím, chống trầy.

Với lớp kính này thì Acer cũng thay đổi cách hoàn thiện phần chuyển tiếp giữa nắp máy màn hình bên trong. Các cạnh nắp máy được cắt kim cương nhưng hơi sắc nên khi sờ qua hay cầm máy trong lòng bàn tay thì mình cảm thấy hơi cấn nhẹ, nếu không quá khó tính thì anh em có thể bỏ qua điểm này.

Mình vẫn chờ đợi thiết kế viền mỏng trên Swift 3 nhưng với phiên bản này thì Acer chỉ làm mỏng viền đi đôi chút với viền 2 bên khoảng 14 mm và viền trên 21 mm. Vì vậy, kích thước tổng thể của Swift 3 vẫn chưa thể được thu nhỏ xuống cỡ 13,3′.

Bản lề màn hình cũng đã được Acer cải tiến với cơ chế tự đóng kín ở góc mở hẹp, giúp màn hình và thân máy luôn được giữ chặt với nhau khi đóng hoàn toàn nhưng vẫn không cho phép mở máy bằng một tay. Góc mở màn hình vẫn rất rộng, cho phép mở phẳng 180 độ. Trên phần ốp bản lề giờ đây có thêm dòng chữ Swift và thiết kế phần ốp này vuông vắn hơn so với Swift 3 cũ.

Chiếc máy mỏng khoảng 18 mm, tương đương phiên bản trước và số lượng cổng kết nối khá đầy đủ với 2 x USB 3.0 (USB-A), 1 x USB 3.1 Gen1 (USB-C), HDMI và jack âm thanh tại cạnh trái và thêm 1 x USB 2.0 cùng khe đọc thẻ SD tại cạnh phải.

Như vậy Swift 3 mới có thêm 1 cổng USB 3.0 chuẩn A, rất tiện lợi khi mà các thiết bị dùng USB-C vẫn chưa nhiều thì USB-A vẫn là giải pháp tối ưu nhất đối với đa số các thiết bị ngoại vi như ổ cứng gắn ngoài, chuột phím.

Phần còn lại về thiết kế ngoại thất của Swift 3 mới thì không nhiều khác biệt, đáy máy là một tấm nhựa nguyên khối ốp lên các cạnh và gần rìa trước có 2 loa. Tuy nhiên, phần đáy này có một số thay đổi nhỏ nhưng hợp lý, điển hình là gờ cao su nổi chạy dọc theo bản lề cùng với dải khe lấy gió cho hệ thống tản nhiệt. Phần gờ cao su nâng chiếc máy lên đôi chút, đủ không gian để không khí có thể lưu chuyển vào các khe lấy gió.

Bàn phím và bàn rê:

Bàn phím của Swift 3 mới có nhiều thay đổi so với bản cũ. Đầu tiên là layout phím bị cắt giảm hàng phím điều hướng mà mình từng đánh giá cao trên phiên bản cũ gồm các phím Home, Page Up/Down và End. Thay vào đó các nút này lại được tích hợp theo kiểu tương tự như bàn phím trên ThinkPad với cụm Page Up/Home nằm ngay trên nút mũi tên trái và Page Down/End phía trên mũi tên phải.

Mình đã đo kích thước phím chính và khoảng cách giữa các phím thì vẫn tiêu chuẩn, phím ký tự 15 x 15 mm, khoảng cách keypitch giữa tâm 2 phím vẫn là 19 mm. Vì vậy sự cắt giảm này khiến trải nghiệm sử dụng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhất là với những ai thường làm việc với văn bản dài. Phím điều hướng giờ có kích thước nhỏ hơn nên mình dễ nhấn nhầm vào các nút Page Up và Page Down nằm ngay trên.

Thêm vào đó hàng phím chức năng trên cùng bị ‘gọt’ mỏng đi đáng kể. Trên phiên bản Swift 3 năm ngoái mình đã thấy nhỏ lắm rồi giờ còn nhỏ hơn, muốn bấm chính xác thì phải lần mò ngón tay nếu chưa quen với layout.

Thế nhưng trải nghiệm gõ phím trên Swift 3 mới lại khiến mình ngạc nhiên. Hành trình phím dù không sâu, chỉ khoảng 1,3 mm nhưng cấu trúc xương phím chắc và độ nẩy cao. Thành ra mình có thể gõ rất nhanh trên chiếc bàn phím ngày, ngay lần đầu gõ thử với 10fastfingers mình đã đạt 118 từ/phút mà không sai bất cứ từ nào. Ngoài ra khi gõ thì hầu như không phát ra tiếng động, rất lý tưởng để sử dụng trong đêm hay trong các không gian cần yên tĩnh, tập trung như văn phòng. Chỉ có một điểm mình không thích la vỉ phím tại vùng trung tâm hơi flex do lớp nhôm mỏng, dù vậy không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm gõ phím.

Phần không gian bên dưới bàn phím được nới ra rộng hơn nhờ những thay đổi trên layout phím và kết quả là Swift 3 mới có không gian để tay rộng rãi hơn cùng bàn rê lớn hơn. Bàn rê có kích thước 105 x 80 mm, hỗ trợ thao tác đa điểm bằng cả 4 ngón tay thoải mái.
Bàn rê dạng ClickPad với bề mặt sần mịn, ít bám mồ hôi và độ nhạy cao. Các phím chuột trái và phải được tích hợp bên dưới bàn rê, cảm giác bấm rõ ràng, tiếng click phát ra không lớn. Bàn rê này cũng đạt chuẩn Microsoft Precision Touchpad nên hỗ trợ đầy đủ các thao tác cử chỉ trên Windows 10 với tốc độ nhận diện nhanh hơn và mượt hơn so với driver cũ.

Swift 3 thế hệ mới cũng có cảm biến vân tay một chạm, dạng hình chữ nhật tương tự phiên bản trước nhưng có cải tiến với phần cảm biến lồi lên ngang bằng với mặt phẳng chiếu nghỉ. Nhờ đó khả năng nhận dạng tốt hơn và thuận tiện hơn. Trong quá trình sử dụng mình hiếm khi phải nhấp đến lần thứ 2 để mở máy. Tốc độ nhận diện cũng chỉ mất khoảng 1 giây.

Màn hình & âm thanh:

Chuyển sang yêu tố nghe nhìn, màn hình của Swift 3 bản 14′ này tiếp tục được Acer trang bị tấm nền IPS. Kiểm tra nhanh thì đây là tấm nền do AU Optronics sản xuất, mã B140HAN02.1 và tấm nền này khá phổ biến trong phân khúc laptop 14′ tầm trung và Acer cũng từng trang bị tấm nền này trên các dòng như TravelMate X3. Về cơ bản thì đây là một tấm nền có chất lượng khá, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng nhưng không thiên về thiết kế do độ bao phủ các dải màu sắc trung bình. Độ sáng màn hình không cao nhưng tương phản tốt, cùng với lớp phủ glossy khiến hình ảnh trong trẻo hơn, giải trí tốt với phim ảnh.

Màn hình có độ phân giải FHD với mật độ điểm ảnh 157 ppi mang lại hình ảnh có độ mịn cao ở cự ly quan sát thông thường. Độ bao phủ màu sắc của tấm nền này ở mức trung bình với 61% sRGB, 44% NTSC và 46% AdobeRGB. Độ chính xác về màu sắc trung bình 2.92 theo thang Delta-E, sai màu nhiều ở các sắc xanh và đỏ, cả 2 đều nhợt nhạt hơn so với sắc trên không gian màu chuẩn.

Độ sáng tối đa của màn hình đo được bằng Spyder4Elite là 174.6 nit, một mức sáng thấp đối với màn hình laptop, tiêu chuẩn là 300 nit. Độ sáng này thực tế đủ dùng, không phải quá tối như con số từ máy đo, sử dụng ban đêm dễ chịu, ban ngày thì đủ quan sát nhưng sẽ khó thấy dưới nguồn sáng trực tiếp. Vấn đề là Swift 3 giờ đây có lớp kính glossy bóng bẩy bao phủ, lợi thế của màn hình kính luôn là sự trong trẻo của hình ảnh và màu sắc nhưng hạn chế là phản chiếu nhiều ánh sáng. Vì vậy khi sử dụng ngoài trời, dù góc quan sát của tấm nền IPS đến 170 độ nhưng tình trạng biến màu, giảm sáng bắt đầu xuất hiện ở góc khoảng từ 120 độ từ 2 bên.

Điểm mình thích trên màn hình của Swift 3 là độ tương phản tốt với tỉ lệ 740:1 ở độ sáng 100% và lên đến 14490:1 ở độ sáng 0%. Độ tương phản cao cùng với black level rất lý tưởng chỉ xê dịch từ 0.08 đến 0.24 thì trải nghiệm xem phim trên màn hình rất đã mắt. Thêm vào đó, Acer có trang bị một công nghệ gọi là Color Intelligence giúp chủ động điều chỉnh gamma và độ bão hòa của màu theo thời gian thực. Kết quả là khi đo gamma bằng Spyder4Elite thì tỉ lệ gamma theo tông màu gần như trùng khớp với tỉ lệ lý tưởng là 2.2.

Một điểm nữa mà mình hài lòng trên màn hình của Swift 3 là sự chênh lệch về màu sắc và độ sáng giữa các vùng trên màn hình không nhiều ở các mức độ sáng khác nhau. Vùng trên và dưới màn hình tối hơn so với trung tâm khoảng 10% trong khi đó khả năng tái tạo màu sắc giữa các vùng khá đều nhau, độ chênh lệch theo thang Delta-E từ 1.0 ở vùng trung tâm đến cao nhất là 2.8 ở vùng bên phải màn hình, các vùng còn lại đều từ 1.4 dến 1.7, vẫn dưới ngưỡng mắt thường không nhận thấy được.

Swift có 2 loa đặt dưới cho âm thanh đầu ra có độ lớn đến 85 dB, rất lớn đối với một chiếc Ultrabook. Tuy nhiên, chất lượng âm thanh lại chỉ ở mức chấp nhận được bởi ở mức âm lượng tối đa, âm thanh bị méo rất rõ, giảm xuống 70% âm lượng thì đỡ hơn đó là khi mình thử nghe nhạc. Riêng với phim ảnh thì 2 loa trên Swift 3 có thể đáp ứng tốt nhờ dải mid và treble khá.

Hiệu năng:

Acer Swift 3 SF314-52-55UF là một trong số những chiếc laptop đầu tiên được trang bị vi xử lý Intel Core i thế hệ 8 dành cho laptop, còn gọi là Kaby Lake Refresh. Hiện tại Intel chỉ mới phát hành một số phiên bản gồm Core i7-8650U/8550U và Core i5-8350U/8250U. Chiếc máy mình đánh giá trong bài này chạy Core i5-8250U, thay thế cho Core i5-7200U của thế hệ Kaby Lake nhưng thông số của mẫu chip này nói riêng và dòng Kaby Lake Refresh nói chung đều có nhiều thay đổi đáng kể bởi đây cũng là thế hệ vi xử lý ULV dành cho laptop đầu tiên có 4 nhân xử lý thay vì chỉ 2 nhân xưa nay. Bộ nhớ L3 Cache cũng được tăng thành 6 MB, tức gấp đôi so với thế hệ trước. Ngoài ra xung nhịp Turbo Boost cũng tăng đến 3,4 GHz, hơn 300 MHz so với Core i5-7200U trong khi xung cơ bản cắt xuống còn 1,6 GHz. Sự thay đổi về xung nhịp này khiến Core i5-8250U vẫn giữ được mức TDP 15 W, tối đa 25 W.

Phần còn lại của cấu hình vẫn không nhiều khác biệt với thiết kế RAM hàn chết trên bo mạch chủ và không có khe SO-DIMM để nâng cấp, đây là một điểm mình không hề thích trên chiếc Swift 3 đời mới này. Ngoài ra máy cũng dùng ổ SSD M.2 chuẩn SATA III do SK Hynix sản xuất, dung lượng 256 GB và có tốc độ khá tốt. Dưới đây là cấu hình chi tiết:

  • CPU: Intel Core i5-8250U (Kaby Lake R) 4 nhân 8 luồng, tốc độ 1,6 GHz (Turbo Boost 3,4 GHz), 6 MB Cache, TDP 15 W;
  • GPU: Intel UHD Graphics 620, xung nhịp 300 – 1050 MHz (Boost), 24 EU;
  • RAM: 4 GB DDR4-2400 chạy dual-channel, hàn chết;
  • Ổ SSD: 256 GB SK Hynix SC308 M.2 2280 SATA III;
  • Kết nối: Bluetooth 4.1 + Intel Dual Band Wireless-ac 7265;
  • Pin: 50 Wh;
  • OS: Windows 10 Home Single Language 64-bit (bản quyền).

Hiệu năng của Core i5-8250U với 4 nhân 8 luồng hứa hẹn sẽ mang lại hiệu năng cao hơn đáng kể so với các thế hệ Core i5 2 nhân trước. Trong bảng trên là điểm số Cinebench R15 của một số mẫu máy tầm giá 17 triệu mà lần trước mình có test qua. Các mẫu máy này đều chạy Core i5 và Swift 3 đời mới đạt điểm số cao hơn đáng kể. Điểm đơn nhân đơn luồng 146 điểm nhờ xung nhịp Turbo Boost được đẩy lên 3,4 GHz. Trong khi đó điểm đa nhân đa luồng đến 558 điểm, tức mạnh hơn 72% so với Core i5-7200U.

Theo quan sát của mình CPU Core i5-8250U thường chạy ở mức xung khoảng 2,3 GHz đối với hầu hết các tác vụ. Tuy nhiên khi cần CPU vẫn có thể đạt được xung đến 3,39 GHz theo lý thuyết. Cơ chế Turbo Boost cải tiến giúp CPU hoạt động hiệu quả hơn với nhiều tình huống sử dụng khác nhau đồng thời tiết kiệm điện năng hơn.

Với ưu thế về nhân, Swift 3 cũng đạt điểm PCMark cao hơn các mẫu máy Ultrabook chạy Core i5 ULV thế hệ trước. PCMark 7, 8 và 10 đều cho kết quả cao hơn hẳn. Với PCMark 7 thì đây cũng là mẫu máy chạy Core i5 dòng U đầu tiên mà mình đánh giá đạt điểm số trên 6000 điểm. Thêm vào đó với nội dung PCMark 8 Creative mô phỏng tình huống sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh và video thì Swift 3 cũng đạt trên 5000 điểm – một mức điểm rất cao! Điểm số này cũng phản ánh tình huống sử dụng thực tế khi mình dùng Lightroom CC và Photoshop CC trên Swift 3 thì việc xuất hình RAW từ Lightroom hay tốc độ khởi động các ứng dụng này đều nhanh hơn đáng kể so với Core i5-7200U.

GPU tích hợp UHD Graphics 620 trên Core i5-8250U về cơ bản vẫn là HD Graphics 620 của thế hệ Kaby Lake nhưng được cải tiến về xung nhịp tối đa, lên 1050 MHz. Vì vậy, hiệu năng xử lý đồ họa của Swift 3 cũng nhỉnh hơn so với các mẫu máy trong bảng so sánh. Điều đáng chú ý là mặc dù máy chỉ có 4 GB RAM nhưng Acer thiết lập chạy kênh đôi, nhờ đó cải thiện hiệu năng GPU, đặc biệt với Fire Strike vốn là một bài test thiên về đồ họa game, Swift 3 đạt trên 1000 điểm với GPU tích hợp.

Tốc độ ổ SSD M.2 trên Swift 3 bản mới khá tốt với tốc độ đọc tuần từ Q32T1 đạt 558,9 MB/s, tốc độ ghi tuần từ Q32T1 khoảng 268,7 MB/s. Tốc độ truy xuất ngẫu nhiên 4 KB cũng khá tốt với lần lượt là 320 MB/s (~ 78k IOPS) đọc và 260 MB/s (~ 63,7k IOPSS) ghi.

Trải nghiệm thực tế cho thấy Swift 3 có thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng văn phòng, giải trí cơ bản với phim ảnh và chơi game online nhẹ nhàng như LoL. Ngoài ra mình cũng sử dụng Photoshop và Lightroom trên chiếc máy này và cảm giác nhanh hơn nhiều, giảm đáng kể tình trạng giật lag khi chỉnh sửa nhất là trong Lightroom. Tuy nhiên, dung lượng RAM 4 GB có hơi ít và không thể nâng cấp thêm là một nhược điểm, đối với những ai thường sử dụng đa nhiệm nhiều thì 4 GB là chưa đủ để thỏa mãn.

Pin và nhiệt:

Swift 3 được trang bị hệ thống tản nhiệt gồm 1 quạt và 1 ống đồng đủ để làm mát Core i5-8250U cùng GPU tích hợp. Thử nghiệm stress test bằng AIDA64 thì nhiệt độ CPU ban đầu leo lên 81 độ C nhưng sau đó giảm xuống và ổn định ở 75 – 76 độ C. Nguyên nhân là do quạt phản ứng khá chậm với sự thay đổi về nhu cầu xử lý nhưng vấn đề này không quan trọng lắm đối với một chiếc máy văn phòng. Đây là ngưỡng nhiệt độ khá tốt đối với CPU 4 nhân và thiết kế máy mỏng. Trong quá trình sử dụng thì nhiệt độ vỏ máy khá mát, khu vực nóng nhất cảm nhận được chỉ vào khoảng 38 độ C, các vùng xung quanh chỉ chênh lệch khoảng 2 độ C.

Swift 3 bản mới này cũng đã được cải tiến nhẹ về thời lượng pin với dung lượng 50 Wh, thêm 2 Wh so với phiên bản cũ. Mình thử nghiệm với PCMark 8 Home cho chạy liên tục, độ sáng màn hình 75% thì thời lượng pin là 3 tiếng 53 phút. PCMark 8 Home bao gồm một loạt các bài test từ lướt web, soạn thảo văn bản đến chỉnh sửa hình ảnh, gọi hội thoại video và chơi game nhẹ nên với nhiều tác vụ chạy liên tục thì thời lượng pin này có thể nói không lớn. Mình thử kiểm tra lại với điều kiện sử dụng thực tế, độ sáng màn hình vẫn 75% và dùng làm việc thì thời lượng pin lâu hơn đáng kể. Với nhu cầu của mình là lướt web với khoảng 10 tab trên Edge, OneNote để soạn thảo và một loạt các ứng dụng khác luôn chạy như Photoshop, Lightroom thì Swift 3 cho thời lượng sử dụng gần 5 tiếng trước khi báo pin thấp. Nếu chỉ dùng để xem phim, mình thử với Netflix với cùng mức độ sáng, âm lượng tối đa 100% thì bạn có thể xem liên tục trong 6 giờ 40 phút.

Kết luận:

Swift 3 năm nay đã được cải tiến đáng kể về mặt ngoại hình lẫn hiệu năng. Chiếc máy tiếp tục phát huy những ưu điểm trên thế hệ trước như vỏ kim loại, mỏng nhẹ, cấu hình khá tốt dành cho đối tượng văn phòng và với CPU thế hệ mới có 4 nhân, hiệu năng của Swift 3 không còn bị hạn chế nhiều như các thế hệ trước cả về hiệu năng xử lý tính toán lẫn đồ họa. Điểm mình thích nhất là lớp kính cường lực Gorilla Glass, dù nó gây phản chiếu khi sử dụng ngoài trời nhưng hình ảnh trở nên trong trẻo hơn, cảm giác cao cấp hơn. Ngược lại điểm mình chưa thích chính là khả năng nâng cấp hạn hẹp của chiếc máy này, 4 GB RAM hàn chết không có khe nâng cấp sẽ khiến Swift 3 dễ tụt hậu qua thời gian khi hệ điều hành và phần mềm cần nhiều bộ nhớ hơn.

Điểm mình thích:

  • Vỏ kim loại phay xước, hoàn thiện khá tốt;
  • Màn hình phủ kính cường lực, tấm nền IPS chất lượng khá;
  • Loa to;
  • Nhiều cổng kết nối tiêu chuẩn và tốc độ cao;
  • Bàn phím gõ thích tay, bàn rê rộng rãi và nhạy;
  • Có cảm biến vân tay;
  • Cấu hình khá hợp lý, phù hợp với văn phòng và giải trí cơ bản;
  • Vận hành mát mẻ;
  • Nay đã có Windows bản quyền!

Điểm mình chưa thích:

  • Viền màn hình vẫn dày, mép màn hình và vỏ hoàn thiện chưa tốt, khá cấn tay;
  • Độ sáng màn hình không cao;
  • RAM hàn chết, không nâng cấp được và dung lượng ít ỏi;
  • Thời lượng pin trung bình.

4 lượt xem | 0 bình luận
Luôn luôn lắng nghe, lâu lâu mới hiểu

Bình luận gần đây

//rongcon.net
Nguyễn Văn Luyến 5 tháng trước
Ưng dụng này rất hay cho người hay thực hiện các biểu mâu, thư mời,...
//rongcon.net
Nguyễn Văn Luyến 6 tháng trước
Chuẩn bị lại lên giá
//rongcon.net
Chuyển Đổi Số 11 tháng trước
Có trang nguồn mình tải á, bạn qua trang đó xem thử. Mình cài được bình thường á
//rongcon.net
Chuyển Đổi Số 11 tháng trước
Mỉnh cũng thấy cái gì hay hay lưu lại trên trang cá nhân khi nào cần lấy ra dùng thôi à. Cảm ơn bạn nhiều!
//rongcon.net
quang tuấn 11 tháng trước
ok cám ơn add
//rongcon.net
Đàm kiên 1 năm trước
sao không thấy hướng dẫn khắc phục lỗi the macro vậy
//rongcon.net
Đàm kiên 1 năm trước
file tải về chỉ có 3 file hướng dẫn chứ không có file cài đặt nhé
//rongcon.net
Nguyễn Văn Luyến 1 năm trước
Bài viết hay
ZaloMessengerEmail
Đồng ý Cookie
Trang web này sử dụng Cookie để nâng cao trải nghiệm duyệt web của bạn và cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa. Bằng cách chấp nhận để sử dụng trang web của chúng tôi